TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tải Tài liệu Y Khoa TẠI ĐÂY
Một trong những điều kiện cần để hệ thống y tế của một nước có thể hoạt động tốt là phải có mạng lưới y tế tuyến ban đầu vững mạnh. Sự phân công – phối hợp hoạt động giữa mạng lưới y tế các tuyến từ thấp đến cao cho phép cung cấp các dịch vụ y tế đa dạng, phù hợp với nhu cầu của người dân. Trong đó, y tế tuyến ban đầu được xem là có ưu thế gần gũi với cộng đồng dân cư, xây dựng tốt mối quan hệ bệnh nhân – nhân viên y tế, thực hiện chức năng điều trị phù hợp với nguyện vọng của cá nhân và cộng đồng xung quanh. Hệ thống y tế tuyến chuyên sâu (các trung tâm y tế của quận huyện, bệnh viện của thành phố - trung ương, bệnh viện chuyên khoa) sẽ đảm trách phần chuyên môn chuyên sâu. Việc phát triển hài hòa y tế các tuyến là định hướng chiến lược phát triển ngành y tế không chỉ của nước ta mà còn là của các nước đang phát triển, đã phát triển trên thế giới.
Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều sự ngộ nhận về hệ thống y tế phân cấp và chức năng của y tế tuyến ban đầu. Theo sơ đồ phân cách về mặt chuyên môn, hệ thống y tế được phân thành 3 cấp khác nhau. Trong đó y tế tuyến ban đầu bao gồm các trạm y tế, các phòng mạch tư, phòng khám đa khoa đảm nhiệm việc chăm sóc ban đầu. Tuyến y tế thứ 2 bao gồm các bệnh viện của quận huyện, các bệnh viện khu vực. Và tuyến y tế thứ 3 là các đơn vị y tế chuyên khoa sâu, các bệnh viện của tỉnh và trung ương, các bệnh viện chuyên khoa. Việc phân cấp này nhằm xác định vai trò chuyên môn của các đơn vị nhằm có định hướng hoạt động phù hợp. Theo cách nghĩ thông thường, các tuyến chuyên khoa sâu có đủ các nguồn lực – điều kiện chuyên môn để thực hiện được phần việc của các tuyến trước, điều này là đúng. Tuy nhiên, việc diễn giải khả năng chuyên môn đã đưa đến ngộ nhận về mặt vai trò các tuyến trong hệ thống y tế như giản đồ 1a. . Chính với cách suy nghĩ này, hình ảnh-vai trò của y tế tuyến cơ sở bị méo mó theo cách đánh giá chủ quan của xã hội dựa trên năng lực chuyên môn như: trình độ kém, trang bị kém, chất lượng kém, chỉ thực hiện chức năng dự phòng, không chức năng điều trị…. Quan điểm này là không phù hợp.
Ở đây, chúng ta cần tách biệt rõ sự phân cấp về chuyên môn và sự phân công về vai trò xã hội của các tuyến trong hệ thống y tế. Sự phân cấp 3 tuyến về chuyên môn được khởi xướng lần đầu tiên bởi Lord Dawson, bác sĩ của hoàng gia Anh, trong báo cáo năm 1920 về tương lai của dịch vụ y tế quốc gia (Future Provision of Medical and Allied Services). Ông Lord Dawson đã đề xuất mô hình y tế của nước Anh được phân làm 3 cấp chính.
Qua vài nét giới thiệu về mô hình 3 tuyến, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng mô hình được phân dựa trên khía cạnh chuyên môn từ thấp đến cao. Tuy nhiên, về khía cạnh vai trò xã hội thì mỗi tuyến đều có vai trò riêng biệt, không có sự trùng lấp, mỗi tuyến phụ trách mỗi lĩnh vực chuyên biệt. Do vậy mô hình phân cấp 3 tuyến về chuyên môn phải được hiểu theo khía cạnh khác trong đó cả 3 đều có tầm quan trọng tương đương trong hệ thống (giống như giản đồ 1b). Điểm khác biệt giữa các tuyến được nhìn nhận ở khía cạnh cung cấp loại dịch vụ chăm sóc y tế khác nhau đáp ứng những nhu cầu khác nhau về y tế. Những việc đơn giản không cần can thiệp phức tạp sẽ do tuyến ban đầu phụ trách. Những việc phức tạp đòi hỏi tính chất chuyên khoa sâu sẽ được đảm nhiệm bởi hệ thống y tế tuyến sau cùng là các bệnh viện chuyên khoa, viện-trường.